Bài hát: Vì nhân dân quên mình
File nhạc không lời
File nhạc có lời
Lời bài hát: Vì nhân dân quên mình
Nhạc và lời: Doãn Quang Khải
Sơ lược về tác giả và tác phẩm
Nhạc sĩ Doãn Quang Khải (1925–2007)
Doãn Quang Khải sinh năm 1925 tại xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội ). Ông tham gia kháng chiến chống Pháp trải qua các chiến trường: Liên khu 3, Việt Bắc, Bình Trị Thiên ; còn trong kháng chiến chống Mỹ là chiến trường Tây Nguyên, Bình Trị Thiên. Đồng đội vẫn trìu mến gọi Doãn Quang Khải là Khải “Nhạc Sĩ”. Ông đã đi qua cái thời tuổi trẻ sôi nổi cùng những bạn bè chỉ biết sống hết mình vì sự nghiệp giải phóng đất nước. 38 năm đời lính trở lại quê hương, chẳng có mấy tài sản, nhưng chưa bao giờ ông vơi niềm tin vào những gì mà thế hệ những người lính như ông đã dày công vun đắp.
Đầu năm 2004, Bệnh viện 108 (Bộ Quốc phòng) đã hỗ trợ xây tặng ông một phòng riêng trên mảnh đất của gia đình để tỏ lòng tri ân với một cựu binh còn nhiều khó khăn trong cuộc sống. Thật bất ngờ, sau hai năm liệt nửa người, di chứng của bệnh huyết áp cao, nhạc sĩ Doãn Quang Khải đã luyện tập để tự mình đi lại được. Người lính Tây Tiến năm xưa không cho phép ông đầu hàng số phận. Ông vẫn say sưa kể về những kỷ niệm chiến trường, về tâm trạng khi viết ca khúc Vì nhân dân quên mình. Những kí ức về một thời tuổi trẻ lại có dịp bừng lên. Ông mất năm 2007 thọ 82 tuổi.
Năm 1950, Doãn Quang Khải được cử đi học lớp bổ túc đại đội (sau trường này được mang tên Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn). Những ngày cuối khoá học 6 tháng tại trường đào tạo sĩ quan lục quân ở Trung Quốc, trường phát động cuộc thi sáng tác ca khúc để kỷ niệm khoá học hữu nghị đầu tiên giữa hai nước sau ngày Trung Quốc giành được độc lập. Sau nhiều đêm suy nghĩ tìm cấu tứ cho sáng tác, tình cờ ông đọc được tờ báo có dòng tít “Vì nhân dân phục vụ” rất trùng với những suy nghĩ của ông về tinh thần quân đội ta. Đêm hôm đó, ông đã thức đến 3 giờ sáng để hoàn thành bài hát với chủ đề Vì nhân dân quên mình.
Cả ngày học và rèn luyện trên thao trường, chẳng còn dư chút thời gian riêng tư nào, kỷ luật của trường lại nghiêm ngặt, đúng 21h, tất cả học viên phải tắt đèn đi ngủ. Doãn Quang Khải cứ nằm trằn trọc suy nghĩ, nghĩ được câu nào hoàn chỉnh, ông lại cầm giấy bút ra vườn hoa góc trường có đèn sáng để ghi lại. Ghi xong lại chạy vào phòng, nghĩ được đến đâu lại chạy ra ghi. Cứ quy trình ấy, đến đúng 3 giờ sáng, bài hát đã hoàn thành. Ca khúc của người lính chưa từng học qua một lớp âm nhạc nào, chưa từng chạm vào cây đàn mà chỉ có niềm say mê và ngưỡng mộ những bản nhạc, giai điệu chắt ra từ cuộc sống, đã được cả trung đội hát, được đăng lên báo tường, trở thành tiết mục mở đầu của các chương trình văn nghệ của trường.
Thật may mắn, sau đó không lâu, trong số khách mời của nhà trường có nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát đến thăm. Đọc báo tường của nhà trường, ông thích bài hát và gặp tôi tỏ muốn chép lại cho một bản. Sau nhạc sĩ đàn anh đã sửa vài chỗ và dàn dựng cho đội văn nghệ của nhà trường hát diễn. Ngày 1-5-1951, trong phần nghi lễ bế mạc khóa học, lần đầu tiên bài Vì nhân dân quên mình được vang lên theo bước đi của những cán bộ, chiến sĩ chuẩn bị ra các chiến trường. Bài hát được sáng tác năm 1951, năm 1952 được đưa về Cục Quân huấn, rồi được gửi tham dự Cuộc thi sáng tác Văn học nghệ thuật toàn quốc. Ở cuộc thi này, anh bộ đội cụ Hồ Doãn Quang Khải với bài Vì nhân dân quên mình vinh dự nhận giải Nhì (không có giải Nhất). Sau này, khi về nước nhận nhiệm vụ tại Phòng Tuyên huấn, tham gia làm báo của mặt trận, ông có thêm ca khúc Biết ơn Đảng.
Ca khúc Vì nhân dân quên mình khi được phổ biến trên báo chí đã liên tiếp nhận được các giải thưởng, mà mãi sau này tác giả mới được biết. Hiện tại, bài hát đang được sử dụng làm nhạc hiệu của chương trình Truyền hình Quân đội nhân dân, trở thành bài hát truyền thống gắn bó với lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Ông từng tâm sự: “Không ngờ bài hát viết trong những năm được cử đi học ở Trung Quốc lại trở thành tài sản lớn còn lại của cuộc đời tôi”.
Sưu tầm và biên tập: Phạm Sơn Hải – CT23.