Bài hát: Ca ngợi Hồ Chủ tịch
File nhạc không lời
File nhạc có lời
Lời bài hát: Ca ngợi Hồ Chủ tịch
Nhạc: Lưu Hữu Phước
Lời: Nguyễn Đình Thi
1-
Sao vàng phấp phới ánh hồng sáng tươi,
Toàn Việt Nam đón chào ngày mới.
Hồ Chí Minh dắt toàn dân nước ta,
Vững bền tranh đấu cho đời chúng ta.
Hồ Chí Minh muôn năm giải phóng cho nhân dân,
Xây dựng non nước Việt Nam.
2-
Tiếng Người tha thiết kêu gọi bốn phương,
Cờ vùng lên, quân thù gục xuống.
Hồ Chí Minh sáng ngời gương đấu tranh,
Vững bền đưa chúng ta vượt khó khăn.
Hồ Chí Minh muôn năm chỉ lối cho nhân dân,
Đến ngày chiến thắng vẻ vang.
3-
Muôn lòng sung sướng muôn lời hát ca,
Trời Việt Nam hòa bình nở hoa.
Hồ Chí Minh muốn toàn dân sướng vui,
Vững bền xây đắp nên đời thắm tươi.
Hồ Chí Minh muôn năm ngời sáng soi tương lai,
Ơn này ghi nhớ nào phai.
Kết:
Hồ Chí Minh dắt toàn dân nước ta,
Vững bền tranh đấu cho đời chúng ta.
Hồ Chí Minh muôn năm giải phóng cho nhân dân,
Xây dựng non nước Việt Nam.
Sơ lược về tác giả và tác phẩm
Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (1921 – 1989)
Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước sinh ngày 12-9-1921 ở huyện Ô Môn, tỉnh Cần Thơ, mất ngày 8-6-1989 ở Thành phố Hồ Chí Minh. Lưu Hữu Phước là một trong những nhạc sĩ hàng đầu của giới nhạc sĩ cách mạng Việt Nam.
Lưu Hữu Phước được xem là một trong những nhạc sĩ đầu đàn của giới nhạc sĩ Việt Nam, đại diện cho phái âm nhạc Nam Bộ trong thời điểm khởi đầu của nền tân nhạc. Ông là một tên tuổi lớn trong nền âm nhạc cách mạng Việt Nam, một danh nhân văn hóa Việt Nam; là một trong những người đầu tiên sử dụng rất thành công thể loại hành khúc- một thể loại từ âm nhạc phương Tây.
Lưu Hữu Phước đã trở thành tác giả của những chính ca xuất sắc, có tầm tư tưởng lớn, giá trị nghệ thuật rất cao và có giá trị lịch sử. Lưu Hữu Phước sử dụng âm nhạc như một vũ khí đấu tranh để thức tỉnh, động viên thanh niên tham gia phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do, thống nhất đất nước. Ông là tác giả của những chính ca xuất sắc, có giá trị lịch sử như: Tiếng gọi thanh niên, Lên đàng, Bạch Đằng giang, Lãnh tụ ca (Ca ngợi Hồ Chủ tịch), Hồn tử sĩ, Tiếng gọi thanh niên, Giải phóng miền Nam, Khải hoàn ca, Tiền về Sài Gòn, Xuống đường… và nhiều thể loại âm nhạc khác. Về sáng tác ca khúc thiếu nhi, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước có những ca khúc được các em yêu thích như: Reo vang bình minh, Thiếu nhi thế giới liên hoan, Múa vui,…
Những sáng tác, nghiên cứu cùng những hoạt động âm nhạc và hoạt động văn hoá xã hội của Lưu Hữu Phước có ảnh hưởng rất sâu rộng đến sự phát triển của âm nhạc Việt Nam hiện đại. Lưu Hữu Phước là một nhà văn hóa, một nhạc sĩ lớn của thời đại Hồ Chí Minh. Ông được phong tặng danh hiệu Giáo sư, Viện sĩ thông tấn. Ông đã từng là Bộ trưởng Bộ văn hóa – Thông tin của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, Tổng thư ký Hội nhạc sĩ Việt Nam, Chủ nhiệm Uỷ ban văn hóa giáo dục của Quốc hội Việt Nam, Viện trưởng Viện nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam…
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, Lưu Hữu Phước là một trong những sinh viên Nam Bộ tham gia phong trào hoạt động yêu nước và đấu tranh cách mạng. Được gặp Bác Hồ là niềm tin và hy vọng thầm kín trong lòng của lớp sinh viên và thanh niên tiến bộ lúc bấy giờ. Hầu hết các nhạc sĩ từng dấn thân theo cách mạng ai cũng có nguyện sáng tác bài hát ngợi ca Hồ Chủ tịch để gửi vào đó lòng kính yêu Người, một biểu tượng tuyệt vời của một dân tộc bất khuất và của phong trào cách mạng thế giới. Tại kz họp thứ hai của Quốc hội khóa 1 vào tháng 10/1946, lần đầu tiên Lưu Hữu Phước trông thấy Bác Hồ. Sau đó, Lưu Hữu Phước còn được dịp gặp Bác Hồ khi Người đến thăm Phòng Nam Bộ ở nhà số 2, đường Ngô Quyền, Hà Nội, nơi gặp gỡ của cán bộ, chiến sĩ từ miền Nam ra. Tháng 9/1946, sau khi dự Hội nghị Fontainebleau ở Pháp, Bác về đến Hải Phòng. Đông đảo nhân dân đón tiếp, trong đó có đoàn đại biểu Nam Bộ.
Những ấn tượng về những lần gặp Bác Hồ đã khiến Lưu Hữu Phước bắt đầu viết bài hát Ca ngợi Hồ Chủ tịch vào năm 1947. Và sau đó không lâu ca khúc “Ca ngợi Hồ Chủ tịch” ra đời, nhanh chóng phổ biến trong các vùng kháng chiến. Ca ngợi Hồ Chủ tịch còn được gọi là bài hát Lãnh tụ ca, ca ngợi về chủ tịch Hồ Chí Minh, sử dụng trong các nghi lễ quốc gia.
Sưu tầm và biên tập: Phạm Sơn Hải – CT23.